Thứ Ba, 11 tháng 6, 2013

Tết Đoan ngọ




Tết Đoan Ngọ (Mùng 05 Tháng 05)
Tháng tư đong đậu nấu chè
Ăn tết Đoan ngọ trở về tháng năm


Tết Đoan ngọ hay Tết Đoan Dương, ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch, là một ngày Tết truyền thống tại một số nước Đông Á như Triều Tiên, Việt Nam,Trung Quốc…. Tết Đoan ngọ tồn tại từ lâu trong văn hoá dân gian Phương Đông và có ảnh hưởng đến sinh hoạt văn hoá. Đoan nghĩa là mở đầu, Ngọ là giữa trưa và ăn tết Đoan Ngọ là ăn vào giữa trưa. Đoan Ngọ lúc mặt trời bắt đầu ngắn nhất, ở gần trời đất nhất trùng với ngày hạ chí. Tết Đoan Ngọ còn được gọi là Tết Đoan Dương. Thời gian này cũng là khi khí dương đang thịnh nhất trong năm. Ở Việt Nam, dân gian còn gọi là Tết giết sâu bọ.
Tết Đoan ngọ ở Việt Nam cũng còn gọi là “ngày giết sâu bọ” là ngày phát động bắt sâu bọ, tiêu diệt bớt các loài gây hại cho cây trồng trên cánh đồng, trong đó nhiều loài sâu có thể ăn được và chúng được coi như là chất bổ dưỡng. người ta tin rằng khi ăn món ăn đầu tiên trong ngày này thì sâu bọ; giun sán trong người sẽ bị chết hết. Truyền thuyết về lịch sử ngày mùng 5 tháng năm được lưu truyền khác nhau ở Việt Nam, Trung Quốc và Hàn Quốc.
Xuất xứ của ngày này liên quan đến cái chết của Khuất Nguyên, một vị quan của nước Sở (Trung Hoa cổ đại) cách đây hơn 2.000 năm. Khuất Nguyên vì can ngăn Sở Hoài Vương không thành, bị cách chức thành thứ dân, về quê sinh sống. Chị gái ông tên là Tu đi lấy chồng xa, nghe tin liền về thăm em.
Thấy Khuất Nguyên tóc xõa bù, mặt mày nhem nhuốc, hình dung hốc hác, vừa đi vừa ngâm thơ ở bờ sông, chị bèn bảo: “Vua Sở dẫu không nghe lời em nhưng em đã hết lòng rồi, còn lo nghĩ làm gì? May mà nhà còn có ruộng. Sao không dùng sức cày cấy để tự nuôi mình, hưởng hết tuổi trời?”.
Khuất Nguyên than: “Việc vua Sở đã đến thế này, ta không nỡ thấy tôn miếu bị diệt vong. Cả đời đục chỉ có mình ta trong”.
Rồi một ngày, Khuất Nguyên dậy sớm, ôm một hòn đá tự trẫm mình ở sông Mịch La. Đó chính là ngày 5/5 âm lịch. Ngươi làng nghe tin, đua nhau chở thuyền nhỏ ra cứu nhưng không kịp, bèn làm bánh nếp có góc ném xuống sông để tế. Tục đua thuyền rồng ở vùng Ngô Sở cũng bắt nguồn từ đó. Tương truyền, mảnh ruộng Khuất Nguyên cày cấy về sau gạo trắng như ngọc, gọi là “ruộng gạo ngọc”. Tên làng ông ở gọi là làng “Tỷ quy”, tức là chị về.
Ngày dương khí cực thịnh
Theo học thuyết âm dương ngũ hành, Ngọ được xếp vào quẻ Ly, thuộc hành Hỏa. Trong một ngày, dương khí cao nhất là giờ Ngọ. Trong một tháng, dương khí cao nhất vào những ngày Ngọ, nhất là ngày Ngọ thượng tuần (đầu tháng). Trong năm, dương khí cao nhất vào tháng Ngọ (tháng 5). Như vậy, dương khí đạt cực điểm vào giờ Ngọ của ngày Ngọ đầu tiên trong tháng Ngọ.
Nhưng tại sao người ta lại chọn ngày 5/5 mà không chọn ngày Ngọ đầu tiên của tháng 5 làm tết giết sâu bọ?
- Thứ nhất là để mọi người dễ nhớ.
- Thứ hai là để tưởng nhớ Khuất Nguyên.
- Thứ ba, theo lịch cổ thì ngày này xuân vận đã hết, hạ vận chuyển sang. Sự chuyển tiết giữa hai mùa dễ gây bệnh thời khí ở con người. Sâu bọ, côn trùng cũng được dịp phát triển, gây bệnh cho người, vật nuôi và cây cối. Bởi vậy vào tiết này, người ta làm lễ dâng hương cầu cho sâu bọ có hại bị tuyệt diệt, người tai qua nạn khỏi, được mùa.
- Thứ tư, 5/5 là ngày cực dương hoặc gần với cực dương, con người cũng như mọi vật cần dự trữ năng lượng để chống lại dương khí quá cao của trời đất. Họ cần ăn một số hoa quả hay thực phẩm giàu năng lượng như trứng luộc, cái rượu, uống rượu xương bồ… để khai mở cửu khiếu (9 cái lỗ tự nhiên trên cơ thể), thông dương khí hòa cùng trời đất. Nhiều người còn ăn những hoa quả có vị chua như mận với hàm ý giảm sự mãnh liệt của Can (gan khí), hạn chế những tác động xấu tới tạng Tâm và hệ thống mạch máu.
Ở Việt Nam, Tết Đoan Ngọ được “Việt hoá” thành ngày Tết diệt sâu bọ và thờ cúng tổ tiên vào thời điểm quả trên cây, lá trên cành bắt đầu đơm hoa kết trái mong một mùa bội thu. Vì vậy hoa quả là thứ đồ cúng không thể thiếu. Ngoài ra còn những món ăn khác tùy theo tập quán của từng địa phương.
Ở vùng đồng bằng Sông Cửu Long nói chung, ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch còn gọi là ngày “nước quay”, vì cứ theo lệ hàng năm, nước ở thượng nguồn đổ về đến nước ta làm nước sông trở thành đỏ đục và có nhiều xoáy nước. Và năm nào cũng vậy, ngày này được coi là ngày bắt đầu của những mùa lũ hàng năm. Trong ngày Tết Đoan Ngọ,Ở vùng đồng bằng Sông Cửu Long hầu như không thể thiếu bánh xèo.
Đối với người miền tây tết Đoan ngọ được xem là tết nửa năm, là mốc hẹn cho những đứa con xa quê về thăm lại gia đình sau bao tháng ngày bươn trải. Tết đoan ngọ ở miền tây luôn nhắc đến với món bánh xèo, giống như Trung Thu được nhắc đến bánh trung thu, tết Nguyên Đán với mứt và bánh ngọt vậy. Có lẽ vì bánh xèo là món ăn dân dã đầy đủ hương vị quê nhà mà cũng có lẽ vì đó là món ăn mà đối với người nông dân miền tây nguyên liệu toàn cây nhà lá vườn nhưng khi bày ra thực hiện lại vô cùng xôm tụ và “hoành tráng”.
                                            Sưu tầm từ mekongculture.com.

1 nhận xét: