Lê Văn Thật
Sáng ngày 24/08/2013, theo lời hẹn, CLB thơ Bình Thạnh gồm 14 người đã có một chuyến giao lưu cùng với CLB thơ Tân Châu đầy kỷ niệm. Đoàn đi, còn có những gương mặt hội viên Hội VHNT Tây Ninh hết sức thân thương như: nhà thơ Nguyễn Văn Tài, nhà thơ Nghiêm Khánh, nhà văn Phùng Thị Tuyết Anh, nhà thơ Khaly Chàm, nhà thơ kiêm soạn giả cổ nhạc Lê Thị Phù Sa. Về phía CBL thơ Tân Châu, có anh chủ nhiệm Lê Minh Luyến và 05 thành viên của CLB.
Trời hôm nay trong xanh và mát rượi, như muốn ưu ái cho buổi gặp gỡ đầy ấn tượng này. Đầu tiên, đoàn chúng tôi được CLB Tân Châu tiếp tại phòng họp huyện uỷ. Mới chỉ cách vài năm, mà Tân Châu nhìn như lạ lẫm, như mới mẻ trước sức sống tiềm tàng của mình. Con đường hoa xinh đẹp làm sao ! Hai dãy phố sầm uất, sắc xảo đèn hoa, san sát những toà biệt thự lầu cao, kiểu cách sang trọng. Câu lạc bộ thơ Tân Châu hết sức vui mừng, tiếp đoàn bằng những nụ cười thân ái. Trong phòng họp sang trọng, hai đoàn đã báo cáo những kết quả đạt được trong những năm qua và lên kế hoạch giao lưu.
Cuộc du hành của đoàn bắt đầu là vào thăm Ban an ninh TW cục. Nơi đây, chúng tôi hết sức thán phục và kính cẩn nghiêng mình trước nhiều biểu tượng của Ban an ninh của nhều tỉnh thành trên cả nước. Mỗi biểu tượng đều có nét riêng, độc đáo hướng về tính chiến đấu kiên cường, dũng cảm của dân tộc. Hàng cây kỷ niệm, do các vị lãnh đạo cách mạng trồng đã cao lớn, che mát cả con đường chúng tôi đi. Đứng dưới các biểu tượng, anh chị em văn nghệ sĩ thoả sức chọn lựa cảnh và tư thế sao cho xứng đáng với hồn thiêng sông núi. Ai cũng thấy tự hào, hạnh phúc, khi được đứng cạnh những ảnh hình lịch sử, cứ ngỡ mình cũng đang cầm súng đánh quân thù. Phía sau, là vườn hoa rộng lớn khoáng đạt và...rất đẹp. Tôi đắm đuối nhìn con rạch nhân tạo trong xanh, lượn quanh, hai bên bờ được lát đá tảng, chiếc cầu bắc ngang thật kiểu cách, ngỡ như mình đang sống trong vườn ngự uyển của vua chúa xưa. Kia, là những con đường hoa cực kỳ sang trọng ! Nền lát đá hoa cương, cứ khoảng mươi mét là có một lần thang khoảng năm bảy bậc, cao lên dần, cao lên dần như biểu tượng của sự tiến lên. Hai bên đường, là những hàng hoa kiểng sặc sỡ, ngào ngạt...như muốn khoe sắc, toả hương cho các thi nhân. Được lắm ! chúng tôi không quên đưa anh chị vào thơ đâu ! Lồng lộng hai hàng cột đèn điện kiểu cách như nghiêm trang, như đón chào khách lạ bằng những hoa văn hiện đại. Chính giữa vườn hoa, biểu tượng lớn nhất là một cây cột tròn, cao to khoảng 20m, giống như tên lửa, vươn thẳng lên nền trời. Trên, có nhiều tượng điêu khắc chiến sĩ được khắc hoạ tinh vi. Trên nữa, là biểu tượng hai lá cờ Tổ Quốc và cờ Đảng uy nghi, lộng lẫy. Mũi nhọn hoắc trên cùng như ý chí vươn tới trời cao dân tộc. Tận hưởng một kỳ công, mà thấy lòng sảng khoái làm sao ! Bỗng dưng, tôi nghĩ, được sống trong một đất nước thanh bình; được say sưa ngắm đất trời Tổ Quốc đẹp xinh; thấy mình hạnh phúc biết chừng nào ! Hạnh phúc biết chừng nào...
Đến trưa, đoàn tới Trung ương cục. Mùa này, ít khách, chúng tôi mặc sức tung tẩy, say ngắm, lãng mạn với rừng. Con đường xi măng ngang khoảng 1,5 m, đưa chúng tôi đi vào căn cứ xưa. Ô ! rừng ! Cây cỏ cũng thú vị làm sao ! Vốn, chúng tôi là người đồng bằng, chỉ quen mắt với những cánh đồng lúa. Giờ, tạn mặt với cây rừng mới thấy con mắt của mình lớn ra. Mải miết nhìn hàng trăm, hàng ngàn dây leo to nhỏ, chằn chịt, đong đưa mà thích thú làm sao! Nhiều anh chị cứ nắm, cứ leo, cứ nằm, cứ đu đưa...để chụp những bôi hình có một không hai này. Và đây rồi ! những căn nhà của các vị lãnh đạo cách mạng xưa ! Đơn sơ thế sao ! thân thuộc thế sao ! Chỉ vẻn vẹn một căn nhà cao ráo, bằng cây rừng, khoảng 20 mét vuông, lợp lá trung quân, cất theo kiểu của người Việt quen thuộc. Bên trong, một chiếc giường bằng cây rừng xoàng xỉnh. Một bàn làm việc, vẫn còn nguyên đó máy radio, máy đánh chữ, cây viết, quyển tập...xưa cũ, ngỡ như người xưa vẫn còn sống và làm việc đến tận giờ...Trên bàn thờ, bức chân dung của các vị lãnh tụ đã nhoà theo tháng năm, nhưng hương thơm vẫn nghi ngút, lan toả. Dưới nền đất, là một đường hầm chắc chắn, nối ra dãy thông hào. Chúng tôi chun thử để mong tìm cảm giác ông cha. Hình như vẫn còn hơi ấm của người xưa...Tôi rất thích chiêm ngưỡng bếp Hoàng Cầm (tên của một vị tướng đã sáng tạo ra bếp). Cũng bình thường như bao bếp Việt, ưng có sự sáng tạo là khói được chia nhỏ ra theo nhiều đường ngầm rồi toả ra giữa những tàng cây. Kẻ thù không cách nào phát hiện. Anh Nghiêm Khánh nói, anh may mắn có một lần đi chung với vị lãnh đạo cách mạng Nguyễn Văn Linh trong lần ông về thăm lại cứ. Nhìn cảnh cũ, ông đã khóc, giọt nước mắt của người già có còn bao nhiêu đâu, vậy mà ông vẫn khóc dài theo từng bước đi chậm chạp...Giọt nước mắt của hạnh phúc. Ông đã bước xuống con đường hầm, ngày xưa, ông phóng lên phóng xuống như chơi, giờ phải nhờ người níu kẻ kéo... Đây là cây vú sữa, cây xoài, cây sứ; kia là ao cá, vườn rau; nọ là dòng suối Tiên Cô róc rách, xanh mát...Hàng vạn cây rừng đủ loại cây từ gỗ quý đến cỏ dại, cứ chen nhau mà vươn lên, mà khoe sức sống của mình. Giữa trưa, vẫn mát rượi tán cây rừng. Hương thơm của trăm ngàn loài hoa làm tôi ngất ngây, mê đắm...ngỡ như đi bên người yêu. Ô ! Hoa phong lan ! tươi tắn, đong đưa sắc màu trên tàng cây cổ thụ như vẫy chào...như mĩm cười...gợi nhớ về kỷ niệm một thời yêu dấu. Tiếng chim líu lo, tiếng đập cánh, tiếng côn trùng, tiếng suối chảy...tạo nên một bản nhạc rừng độc đáo mà không có một loại nhạc cụ nào có được. Cuộc sống xưa, gian khổ mà nên thơ làm sao ! Và...cả loang lỡ những hố bom B52 đến giờ vẫn còn sâu quắm...Nhìn nó, cứ như là dấu vết nham nhở, gặm nhắm của những con thú khổng lồ cắn phá hình hài đất nước. Nhìn nó, vừa căm lũ giặc tàn ác vừa cảm phục ông cha đã phải chịu đựng một thời bom đạn tàn khốc. Góc trời riêng của cha ông sao mà giản đơn, sao mà vĩ đại thế ! Chính nơi đây, các vị đã lãnh đạo cuộc cách mạng Miền Nam toàn thắng. Kẻ thù biết, nhưng không cách nào tấn công được, cho dù mở cả những chiến dịch quy mô rầm rộ cũng không thể xâm phạm nổi khu căn cứ đầy huyền bí và thần cơ diệu toán này. Kính phục biết chừng nào cha ông ta, gian khổ, nghèo nàn, chết chóc như vậy đó...mà vẫn kiên cường, hào hùng đánh tan giặc thù xâm lược với vũ khí hiện đại, giàu có. Trung ương cục, nơi chứng minh sức mạnh của dân tộc là vĩ đại, là vô biên. Tôi bâng khuâng đọc:
"...Đoàn chúng tôi về Trung ương cục
Giữa rừng sâu, hay giữa tim mình ?
Giữa rừng sâu, tôi đi vào lịch sử
Một khoảng trời Việt Bắc của Tây Ninh
Đây những căn nhà đơn sơ mái lá !
Những căn hầm...còn ấm hơi xưa...
Giao thông hào…quanh co sao lắm ngả ?
"Suối Lênin"…chảy đến tận nơi này ?
Máy điện thoại, vẫn nguyên trên bàn nhỏ !
Tủ giường xưa ! Còn đó !…Cha ông !
Giữa bom đạn, vẫn lắm rau nhiều cá ?
Thương làm sao ! Ơi…cái bếp Hoàng Cầm !
Tôi ghen cả lá trung quân ngày ấy !
Che người xưa…cho lịch sử kiêu hùng !
Thương làm sao ! Ơi… cây xoài cây sứ
Được Người trồng, nay khoe sắc, lừng hương !
Giữa rừng sâu, tôi tìm người đi trước
Mỗi gian lao…giờ lại hoá tự hào !
Nơi một thưở vang lên lời non nước !
Để muôn đời vọng mãi tiếng mai sau ..."
(Trích bài thơ " Về nguồn- Lê Văn Thật")
Sau chuyến du hành lịch sử, đoàn chúng tôi về nơi làm việc của em Nguyễn Văn Châu, cách đó khoảng vài cây số, vốn là học sinh cũ. Hiện em đang làm công tác bảo vệ rừng. Em vui vẻ"...rất vui mừng gặp lại thầy cô cũ, rất hân hạnh được đón tiếp đoàn nhà thơ của huyện, tỉnh. Giữa rừng, em xin kính mời quý vị dùng bữa cơm rừng." Hỏi về công tác bảo vệ, em chỉ cười "... gian nan lắm mà cũng vui lắm thầy ơi ! Nhìn chung, bà con mình rất có ý thức bảo vệ, nhưng cũng còn lắm người chỉ vì lòng tham mà phá phách, huỷ hoại tài sản vô cùng quý báu của quốc gia. Có hôm, được người dân báo, nửa đêm, đang ngon giấc, chúng em cũng phải tốc cả mùng mền, cầm đèn, cầm súng mà chạy như bay đến nơi bọn lâm tặc đang phá hoại. Họ chống cự quyết liệt, buộc chúng em phải quyết liệt..."
Buổi giao lưu của hai câu lạc bộ bắt đầu bằng những bài thơ. Khâm phục thay các nhà thơ: Bùi Thị Hiền - Tân Châu; Thanh Tâm - Tân Châu; Xuân Mai - Bình Thạnh... có ngay những sáng tác mới được ngâm lên thật mới mẻ và hấp dẫn. Cánh rừng Chàng Riệc như sống lại với những con đường lịch sử khi chạy vào thơ ca. Những căn nhà vừa mới nhìn đó thôi, cũng đi vào những trang thơ ăm ắp nghĩa tình... Tân Châu cứ ngâm bài của Bình Thạnh, Bình Thạnh cứ ngâm bài của Tân Châu... Thương nhau là thế ! Rồi những bài nhạc, vọng cổ, lời thơ... cứ tự nhiên mà ngân nga...mà bay xa...mà đi vào lòng người trong buổi chiều ấn tượng. Không ai bảo ai, tất cả đứng lên hát lên bài ca của lòng mình...Những tiếng vỗ tay làm vui cả cánh rừng vốn im ắng...
Buổi chia tay đầy lưu luyến của những người không muốn chia tay. Anh ở lại Tân Châu với cánh rừng lịch sử, tôi trở lại Trảng Bàng với bát ngát đồng xanh. Kỷ niệm sẽ nuôi sống tâm hồn chúng ta. Chia tay Tân Châu, là để có một ngày gặp lại Tân Châu...
LVT





Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét