Chủ Nhật, 6 tháng 10, 2013

“TÌNH CA CÔ GIÁO” – BẢN TÌNH CA TUYỆT ĐẸP


                                                            Lê Văn Thật

                                TÌNH CA CÔ GIÁO
                                
                                  LÊ THỊ PHÙ SA

Thương tuổi thơ cô đến dạy trường xa
Nghe đất thở đọng sương mù hoa cỏ
Tháng giêng nắng vàng…
              …. tháng mười mưa đỏ
Suối rộng, truông dài, gian khó bước chân qua.


Yêu con chữ từ ngón tay tập viết 
Như cành hoa khoe sắc giữa quê rừng
Bài kiểm tra từ những nét môi run
Như oanh yến hát ru lời tha thiết.

Mến ánh mắt xanh trong màu ngọc bích
Buồn rưng mi khi điểm chẳng nên mười
Nên chắc chiu cho từng trang giáo án
Cô và trò mỗi tiết học một niềm vui.

Thương sắc phượng điểm hồng…
                                  … mùa hạ cuối
Các em xa trường theo định hướng tương lai
Cô giáo như con đò neo bến cũ
Mùa sang nắng mới…
                 … tiếp tục chuyến ra khơi...

     Thơ về cô giáo rất nhiều, mỗi bài là một nét đẹp riêng. Tôi lại bâng khuâng và cảm phục về cô giáo vùng sâu trong“TÌNH CA CÔ GIÁO” của nhà thơ Lê Thị Phù Sa.
     Bản thân nhà thơ Lê Thị Phù Sa là cô giáo vùng sâu, hằng ngày, vừa phải vượt qua hàng chục cây số đường rừng lầy lội, qua phà suối Bà Chiêm cuộn nước, vừa chứng kiến bao hình ảnh đẹp về cô giáo. Có lẽ điều đó đã thôi thúc tâm hồn người nghệ sĩ tài hoa. Bài thơ trích trong tập thơ “Tình khúc mưa” của tác giả in năm 2010, cũng là tập thơ thứ hai sau tập "Chiếc bóng bên đời". Bằng chất giọng dịu ngọt, tâm tình, bài thơ đã xây dựng thành công hình tượng một cô giáo trẻ tuyệt đẹp. 
    Nhan đề “Tình ca cô giáo” nghe như bài thơ nói về tình yêu đôi lứa, nhưng kỳ thực, đọc hết bài thơ ta mới thấy “tình ca” ở đây có giá trị lớn hơn nhiều. Tình ca là bài ca về cô giáo, biết vượt qua bao khó khăn đời thường, yêu và tận tâm dạy học ở một trường vùng sâu đầy khó khăn. Đó là nét đẹp nhà giáo, nét đẹp con người. Bài thơ có bốn khổ, mỗi khổ là một nét tình ca đẹp, để góp lại thành bản tình ca tuyệt đẹp của đời sống: Cô giáo vùng sâu.
       Khổ thơ thứ nhất là tình ca cô giáo vượt chặng đường xa...
Thương tuổi thơ cô đến dạy trường xa
Nghe đất thở đọng sương mù hoa cỏ
Tháng giêng nắng vàng…
              …. tháng mười mưa đỏ
Suối rộng, truông dài, gian khó bước chân qua.
     Câu thơ mở đầu bật lên tình cảm của cô giáo thật đẹp:“Thương tuổi thơ, cô đến dạy ở trường xa”. Nguyên thủ tướng Phạm Văn Đồng có nói: “Càng yêu người bao nhiêu, càng yêu nghề bấy nhiêu” Chính vì yêu tuổi thơ, mà cô sẵn sàng đi dạy ở vùng xa.
Chưa làm mẹ, nhưng chứa chan tình lòng mẹ
Bởi yêu nghề nên quý lớp măng non
                                                (  ?  )
 “Những đôi môi nhỏ, những đôi má tròn”1 kia đã đi vào tâm hồn cô, đã trở thành tình yêu thuộc bản chất cô tự bao giờ. Chính vì lẽ đó, cô sẵn sàng đi dạy cả những nơi xa xôi khó khăn. Khi người ta yêu một công việc gì, thì dù xa xôi, thì dù còn gặp nhiều khó khăn vẫn quyết thực hiện cho bằng được. Người đời nhìn vào thì cho đó là gian khổ, nhưng với cô thì lại là hứng thú, đam mê. Đó mới làm nên giá trị con người. Không ít người chỉ vì sợ cái vùng xa xôi ấy, chỉ vì sợ bao khó khăn vất vả ấy, mà bỏ cả nghề nghiệp mà mình đã hằng yêu mến, bỏ cả lý tưởng mà mình bấy lâu ôm ấp.
       Khổ thơ nổi bật lên cái nhìn của của cô giáo. Trong gian khó, cô không cảm thấy chán nản, mà tâm hồn vẫn tràn đầy sức sống. Hình ảnh “Nghe đất thở đọng sương mù hoa cỏ” thật hay ! Từ “Đất thở” gợi ta nhớ bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” của nhà thơ Huy Cận “ Đêm thở sao lùa nước Hạ Long”. “Đất thở” một cảm giác trộn lẫn giữa hiện hữu và lãng mạn của cô  khi đi trong sương sớm. Hình ảnh hiện lên đầy sức sống và tươi mát của một vùng đất mỗi ngày mỗi xanh hơn. Tiếp sau là hai hình ảnh “Tháng giêng nắng vàng. Tháng mười mưa đỏ” cách viết rất mới và ý thơ rất sáng ! Tháng giêng thì nắng, tháng mười thì mưa, được tác gắn với hai gam màu sáng “vàng, đỏ”. Bàn tay của người nghệ sĩ cô đọng thành câu thơ gồm hai câu bốn chữ điệp cấu trúc. “Nắng vàng” tô điểm mùa xuân thì quá đẹp rồi. “Mưa đỏ” là cái đẹp của mùa hè cũng hết sức tươi mát. Xin đừng hiểu “mưa đỏ” ở đây là nước mưa có màu đỏ, mà là mưa trên con đường đất đỏ. Nhưng, cái hay chính là cái nhìn trong mối tương quan màu sắc của nhà thơ “vàng, đỏ” cho đất trời sáng lên, cho đất trời cũng biết lãng mạn trong cái nhìn của con người. Đó là cái nhìn đầy sức sống của một người yêu đời, yêu nghề, nhạy cảm với cái đẹp. Mặt khác, câu thơ này được tách hàng:
Tháng giêng nắng vàng...
                  ... tháng mười mưa đỏ
như là một sự tiếp nối cái đẹp với cái đẹp, làm cho người đọc càng thích thú hơn với cái nhìn tươi sáng của cô giáo.
     Điều đó, làm cho con đường, cả nắng mùa xuân, mưa mùa hạ, cô không xem là khó khăn, mà chính là những nét đẹp, niềm vui trên con đường đến trường.
      Đến “suối rộng truông dài” ta mới bắt gặp hiện thực “gian khó”. Thực tế, suối rộng truông dài là gian khó mà cô giáo chưa chắc dễ dàng qua ? Đã có nhiều thầy cô giáo, vì không qua nổi “suối rộng truông dài” mà bỏ nghề ? Nhưng với cô, chỉ “ bước chân qua” nhẹ tênh. Tác giả chỉ cần đặt ba từ “ bước chân qua” để khẳng định, khi đã yêu nghề rồi thì dẫu suối có rộng, truông có dài, cũng không thể ngăn cản nổi. Ba từ nhẹ tênh, nhẹ như không có gì ngăn cản được cô. Thế mới thấy, khi yêu thì tất cả biến thành đam mê.
      Đến khổ thứ hai, ta bắt gặp bản tình ca trên lớp:
Yêu con chữ từ ngón tay tập viết 
Như cành hoa khoe sắc giữa quê rừng
Bài kiểm tra từ những nét môi run
Như oanh yến hát ru lời tha thiết.
    “Yêu con chữ từ ngón tay tập viết” là một cái nhìn đầy tình cảm. Cô giáo yêu ngón tay tập viết, viết ra những con chữ đáng yêu. Cảm giác này đã vươn đến tình mẹ rồi. Bởi vì chỉ có mẹ cha, nhìn chăm chắm từng bước đi chập chững của con, nghe từng tiếng nói ậm oẹ của con, mà lấy làm niềm vui lớn. Ở đây, cô giáo yêu ngón tay tập viết, yêu cái chữ được viết ra…cũng chính là tình yêu học trò, yêu như con của mình vậy. Có một bài ca: “ Cô yêu từng đôi mắt sáng, long lanh như những giọt sương” 2 thật thắm thía. Biện pháp so sánh nhìn các em tập viết như “hoa khoe sắc giữa quê rừng” rất sống động. Nhìn các em thơ năn nót từng nét chữ, giống như hoa bắt đầu khoe sắc hương giữa quê rừng. Cái nhìn tràn đầy tươi sáng ấy cho thấy cô giáo rất hạnh phúc, rất vui tươi khi nhìn đàn em của mình bắt đầu viết những con chữ. Phải có một sự liên tưởng phong phú, của một người sống miền núi rùng, phải có cái nhìn thi sĩ, tác giả mới phát hiện ra một hình ảnh đậm chất núi rừng như thế.
     Hình ảnh cô giáo hiện lên thật cảm động. Cô lần theo từng ánh mắt, gương mặt của học sinh, nắn nót trên từng bài làm mà thấy từng “nét môi run” ? Run ? Run vì bé cố nắn nót vẽ từng nét sao cho thật đẹp. Có lần tôi chứng kiến một em bé nắn nót từng nét chữ đến mức môi run lên như thế. Đó cũng là lúc cháu tập trung hết sức mình cho công việc. Cho thấy, cô giáo đã dồn hết tâm trí tình cảm của mình vào việc dạy học, biết khơi gợi nguồn cảm hứng cho học sinh. Tình yêu của cô thể hiện rõ nhất chính là lúc này. 
     Biện pháp so sánh “ như oanh yến hát ru lời tha thiết” như là sự cảm nhận đầy thương yêu của cô. “Nét môi run” kia cứ như là sự cất lên của tiếng chim oanh, chim yến đang hát ru lời tha thiết ? Chỉ có tình yêu học trò, cô mới có được cảm giác thích thú yêu thương như tiếng nhạc như thế ! Và, bản tình ca trên lớp đã trở thành người kỹ sư tâm hồn.
      Khổ ba là tình ca của những suy tư trăn trở.
Mến ánh mắt xanh trong màu ngọc bích
Buồn rưng mi khi điểm chẳng nên mười
Nên chắc chiu cho từng trang giáo án
Cô và trò mỗi tiết học một niềm vui.
   Khổ thơ xuất hiện nhiều động từ: “mến, buồn, rưng, chắc chiu, vui…” là những diễn biến khác nhau của cảm xúc. Cho thấy, toàn bộ tình cảm của cô, niềm vui nỗi buồn đã dồn hết cho học trò thương yêu của mình. “Mến ánh mắt xanh trong màu ngọc bích” lấp lánh, ngây thơ, trong sáng làm sao !
        Cái nhìn của cô thật sâu sắc. Khi phát hiện thành quả của mình “điểm chẳng nên mười” nhiều bé đã “buồn rưng mi”. Cô quan sát cả những ánh mắt, những thái độ của học trò trong mỗi lần làm bài tập. Quan sát để yêu, để thương, để biết những ưu, những khuyết của trò và của chính mình mà điều chỉnh, mà nâng cao chất lượng giảng dạy. Đó mới thực là một cô giáo tận tâm với nghề nghiệp.
        Vì thế, cô đã phải “ chắc chiu” cho từng trang giáo án. Từ “chắc chiu” cho thấy từ hiện thực đã tiếp nhận, cô đã tập trung tâm trí của mình để soạn thật kỹ cho từng trang giáo án để dạy thật tốt cho tiết tiếp theo. Giáo án của cô không chỉ có kiến thức chung, mà còn cụ thể chắc chiu cho từng ưu điểm khuyết điểm, từng học sinh mà mình đang dạy. Đó còn là bản kiến thiết cho từng tâm hồn. Nhà thơ Đoàn Vị Thượng trong bài thơ “ Lời ru của thầy” có viết: 
Như ru ánh lửa trong hồn
Cái hoa trong lá, cái mầm trong cây
Thầy ru hết cả mê say
Mong cho trọn ước mơ đầy của em.
    Đấy ! Chính lời ru “hết cả mê say” của cô đã làm cho từng em thơ được sống trong tình yêu thương và được lớn lên trong sự giáo huấn đầy trí tuệ.
     Điều mà cô muốn thực hiện chính là “Mỗi tiết học một niềm vui”. Phải làm sao, mà mỗi tiết học, học trò của mình thấy là niềm vui, là sự thích thú học tập, tìm tòi và chiếm lĩnh những kiến thức mới mẻ, hấp dẫn. Đó là trách nhiệm thiêng liêng của của người thầy. Bản tình ca của sự tận tâm là như thế
      Khổ cuối là nỗi lòng của cô ngày chia tay các em ra trường:
Thương sắc phượng điểm hồng…
                                  … mùa hạ cuối
Các em xa trường theo định hướng tương lai
Cô giáo như con đò neo bến cũ
Mùa sang nắng mới…
                 … tiếp tục chuyến ra khơi...
    Với cách viết xuống hàng cho câu thơ thứ nhất và câu thứ tư, làm cho giọng thơ trở nên tha thiết, âm vang dài ra như tình của cô dài theo từng bước chân học trò.
     Rồi phượng cũng“ điểm hồng”, mùa hạ cuối cũng đến, các em phải xa mái trường cũ để tiếp tục “theo định hướng tương lai”. Tới đây, hình ảnh người lái đò lại xuất hiện “Cô giáo như con đò neo bến cũ”. Hễ nhắc đến thầy cô, người ta thường ví như người lái đò. Các em như đàn chim tung cánh, con đò thì vẫn cứ “neo bến cũ” để “tiếp tục chuyến ra khơi” cho mùa sau. Thế là công việc dạy học của cô vẫn tiếp diễn như thế. Từng lớp trẻ đi qua tấm lòng và bàn tay cô rồi bay xa…Cứ thế. Cứ thế. Cả đời làm thầy, hy sinh thầm lặng, cống hiến cao cả chỉ mong được tiếng “thầy” đầy yêu thương của học trò mình. Và đây là bản tình ca cuộc đời cao đẹp.
       Bài thơ “Tình ca cô giáo” đúng là tình ca cô giáo. Qua bàn tay người nghệ sĩ, từ ngữ, hình ảnh ở đây đều hóa tâm hồn. Rất nhiều động từ chỉ tình cảm con người được tác giả vận dụng ở cả 3 khổ thơ cho thấy cô giáo không chỉ truyền kiến thức mà còn dạy tâm hồn. Thể thơ tự do, giọng thơ ngọt ngào,  hình ảnh phong phú, cách ngắt nhịp theo cảm xúc dâng trào, đã giúp cho tác giả mặc tình tung tẩy chữ nghĩa của mình vào hình tượng cô giáo thân thương. Bằng bút pháp trữ tình lãng mạn, bốn khổ thơ là bốn tâm trạng cơ bản nhất của cô giáo đã được thể hiện rất thơ, rất trữ tình.
      Đề tài cô giáo dạy học ở vùng sâu vùng xa là không mới, nhưng cái mới là mỗi bài thơ đều có những nét riêng làm nên giá trị. Ở đây, ta bắt gặp “Tình ca cô giáo” chính là bản tình ca tuyệt vời về một con người biết sống với lý tưởng của mình và sống cho quê hương. Tác giả muốn ca ngợi: giá trị làm người không phải mình làm gì mà chính là mình làm việc đó như thế nào. Cô đã hoàn thành niềm đam mê của mình. Cô đã hoàn thành thiên chức của mình. Bài thơ là một đóa hoa rừng đầy hương sắc, góp phần làm nên tiếng nói nhà thơ, là bản tình ca tuyệt đẹp giữa cuộc đời. 
                                                                                  LVT
                                 Ghi chú
 1,2. Trích trong bài ca “Cô nuôi dạy trẻ”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét